Nói đi, nói lại, cũng may cho Việt Nam có thời bao cấp. Cái thời ấy, bất cứ chuyện gì xảy ra, bây giờ kể lại, cứ như chuyện tiếu lâm, cười chảy nước mắt.
Thế hệ trẻ hiện đại nghe tôi kể, toàn nói: “ Chú lại bịa!”
… Không khí tết bắt đầu len lỏi trong suy nghĩ của sinh viên độ đầu tháng chạp. Nghĩa là, ngồi học trong lớp mà cứ nghĩ mình đang ở nhà. Tất nhiên rồi, nếu ở nhà có tết, dù nghèo mấy cũng có miếng thịt lợn để mỡ dính mồm, có tý chả nhai thấy rõ mùi thịt, có cơm trắng lùa vào miệng, răng được vận hành liên tục…sướng rơn cả người. Từ một chỗ cơm độn mỳ, ngô…thức ăn không có gì, canh lõng bõng nước, vù một cái, có bữa ăn rau ra rau, thịt ra thịt… ai chẳng thích. Hơn nữa, ít ra cũng gần hai tuần nghỉ ngơi, đầu óc thoả mái, khỏi giáo trình, công thức, lên lớp, thư viện, xêmine… Đạp xe lên phố huyện, sang hơn nữa đi ké honda của thằng bạn lên tỉnh thăm thú bạn bè, khỏi cảnh nhồi nhét kiến thức…không gì sướng bằng.
Nhưng đó là tưởng tượng, mong ước, chứ còn thời gian này, nếu đang ở trường, có muôn “ cực hình” giăng ra, sinh viên cố sống, cố chết gắng vượt.
Đầu tiên, không biết các trường Đại học khác như thế nào? Riêng trường ĐHSP Hà Nội I, nơi tôi học, cứ đến gần tết là phải thi hết học kỳ I. Mà không thi liên tục, trước tết thi hai đến ba môn. Rồi sau tết, thi tiếp mấy môn còn lại. Kiểu thi giữ sinh viên như thế này quả là quá khổ! Tết đến nơi rồi, trăm thứ lo, lo xếp hàng mua hàng tết theo tiêu chuẩn tem phiếu. Nào có nhiều nhặn gì, mỗi sinh viên may ra được nửa lít nước mắm, một hộp mứt tết, độ một phần ba lạng mỳ chính, ba lạng đường… nhưng phải đi từ sớm, tìm chỗ xếp hàng mới có. Dù đang rất bận thi, nhưng trong lớp cũng phải phân công mấy thằng khoẻ mạnh nhất, đi xếp hàng mua hàng tết cho cả lớp. Đến trưa những thằng ấy đạp xe về, mặt tái nhợt như vừa mới vớt ở sông lên, quần áo đẫm mùi mồ hôi vừa nồng, vừa chua… Thằng mua được hàng tết, ôm một bọc, nhìn mọi người cười mà trông như khóc, nói méo xệch cả mồm: “ Chúng nó chen tao, lấn chỗ bẹp cả ruột. May mà phân công thằng đẩy người giữ chỗ để thằng kia mua… mới được ngần này hàng. Mai phải đi sớm hơn… tận Đồng Xuân kia!” Nói xong, nó ngồi bệt luôn xuống nền nhà, thở phì phò cứ như vừa xong cú đấu vật. Mấy đứa con gái thương tình pha cho cốc nước đường, uống bồi dưỡng. Nó tu một hơi hết sạch, còn đưa mắt nhìn ngơ ngác: “ Còn không ? Cho tao một hớp nữa”. Thế là hạnh phúc đấy! Tôi còn nhớ, trong lớp có bạn nữ, tự động đi mua hàng bị bọn lừa đảo lấy sạch tem phiếu, tiền… về đến khu ký túc xá rũ rượt đầu tóc, quần áo xộc xệch lăn luôn ra giường, khóc còn hơn người yêu bỏ: “ Có tí tiền… để tận chỗ này này…thế mà chúng cũng lấy… ”. Lớp lại đứng ra quyên góp, đã nghèo lại gặp eo, nhưng biết thế nào, chẳng lẽ để bạn ở lại ăn tết một mình !
Gần tết, một mắt thì ngóng mua hàng: “ Chỗ nào ? Mỳ chính hử… không xếp hàng à…Đường trắng nhé…không phải đường vàng…mua ngay đi… không hết…”. Còn mắt kia thì dồn vào việc học thi. Đã cận ngày tết, ngoài đường, dẫu cảnh còn nghèo, nhưng cũng nhận thấy người đi lại tấp nập hơn, gồng gánh nhiều hơn, tiếng nói cũng lao xao hơn…ít nhiều ảnh hưởng đến việc học, không thể tập trung, kiến thức không vào. Đã thế, thỉnh thoảng trong trường, không biết tướng nào lại đốt pháo. Tiếng nổ pháo bất chợt, giật mình, kiến thức trong đầu “văng” ra, chẳng biết mình đang học cái gì!!!Họp lớp, phía trên lớp trưởng cứ thao thao bất tuyệt, bên dưới thì thầm to nhỏ: “ tết này nhà mày đã chuẩn bị những gì? Có giò chả không ?”. “ Nhà tao sẵn hai con lợn rồi. Lần này tao về ăn cho chán thịt thì thôi.”. “ Cứ nghĩ đến tết lại thèm bánh chưng.”…nghĩa là, họp lớp gần tết, bên dưới chỉ bàn toàn chuyện ăn… còn bên trên, lớp trưởng nói về “ Phấn đấu”. “ phê bình”, “ các đồng chí cố gắng hoàn thành tốt kỳ thi…”… không biết ông ấy nói cho ai nghe!
Nói thì nói vậy, gần tết, nhất là bên nam cũng bày lắm trò. Tôi nhớ trong lớp tôi, một thằng mua được chai rượu Thanh Mai, của cực hiếm lúc đó. Nó để chai rượu đó lên giường tầng giữa phòng tập thể. Nó đố thằng nào ở trong phòng, tay phải vòng qua nách trái, nắm được dáy tai trái, cúi xuống, lấy ngón trỏ tay trái chỉ xuống đất, quay người theo chiều ngược kim đồng hồ mười vòng, thành công sẽ lấy được chai rượu Thanh Mai kia. Có thằng tưởng bở, dễ làm vội xin thực hiện. Mới quay đến vòng thứ bảy đã ngã lăn ra đất. Hãi nhất là “ bố” ấy nôn toé loe cơm canh vừa ăn, cả mật xanh, mật vàng… ra nền nhà, rồi ngất lịm. Cả bọn hoảng khiêng “ bố” xuống bệnh xá nhà trường. Còn “ bãi chiến trường” kia, may là đúng ngày cả phòng về nghỉ tết, cả bọn thống nhất, khóa phòng, ra tết sẽ dọn!!! Kể lại vẫn còn thấy khiếp.
Chuyện xếp hàng để tìm mua hàng tết, dẫu có cực thế nhưng mới chỉ bằng một phần mười chuyện tìm vé tầu, vé xe để về tết. Lúc ấy đâu có phải thoả mái xe cộ như bây giờ, nhất là phương tiện đi về phía nam, thời gian gần tết, có khi khó y như tìm đãi vàng. Tôi nhớ có một tết, cùng Lê Văn Anh ( Hiện là phó giám đốc ĐH Huế), hai anh em ra ga Hàng Cỏ ( Hà Nội) từ rất sớm. Đến nơi cả hai anh em hoảng hồn khi thấy những hàng người xếp hàng dài như rồng rắn. Thấy một người thanh nữ, thôi thì… bất chấp dung nhan bị xô lệch, kể cả lưng ông trung niên phía trước ép xuống, phía sau ngực anh thanh niên đẩy lên, người của người thanh nữ ấy như bị ép còn hơn ép khuôn dép, thế mà nàng ấy vẫn không chịu rời hàng… Thật kinh khủng! Nhưng cũng chính hình ảnh đó động viên hai anh em, họ là nữ còn như thế ,mình là thanh niên, khỏe mạnh lại chịu thua à! Thế là hai anh em cũng lao vào xếp hàng…Có ai dè, đứng chỉ một lúc cả hai bị đẩy dồn lên trên. Phía trên, bị dồn đột ngột, một ông tức quá lấy cùi chỏ thúc mạnh vào sau, trúng ngay mặt, tôi thấy như có ngàn sao tóa ra trước mặt, tưởng như mình bị bật văng ra khỏi hàng. Lê Văn Anh thương quá, hỏi tôi: “ Anh có làm sao không ?”. Tôi lắc đầu coi như không có chuyện gì xảy ra, hai anh em quyết “ chiến đấu” tiếp…
Cuối cùng thì hai anh em cũng mua được chiếc vé tầu hỏa, những chiếc vé cuối cùng của chiều hai mươi bảy tết cùng hai gói quà tết mà nhà ga gửi tặng hành khách. Cầm chiếc vé nhỏ bằng hai ngón tay, nhầu nhĩ, đẫm mồ hôi mừng còn hơn bắt được vàng. Quên cả chiếc dép nhựa tiền phong bị đứt quai, hàng khuy bị đứt mấy cái nút, từ sáng sớm chưa có hạt cơm vào bụng, thế mà giờ hai anh em không thấy đói, tung tẩy với hai gói quà mang về. Mải vui, vung tay mạnh quá, gói quà tôi đang cầm bay ngay xuống rãnh nước bên đường, nước chảy đen ngòm, hôi thối có cả c…đang trôi. Tôi và Anh đưa mắt nhìn nhau, Anh nói: “ Gói quà bọc bằng ni lông, không sao đâu anh ạ! Mang ra máy nước rửa là xong. “ Nghe Anh nói vậy, tôi thấy cũng có lý, hơn nữa, chẳng lẽ về nhà ăn tết lại không có quà. Thế là tôi lại vớt gói quà lên, mang ra máy nước, hai anh em hỳ hục cọ rửa…
Nghĩ lại, thấy không gì tội bằng tết sinh viên.
Đấy là chưa kể, tết đến, nhiều thằng nghèo quá, không đủ tiền về quê, không có phương tiện nữa, đành ở lại trường.
Nghe chúng nó kể mà thấy thương.
Hồi đó không có chuyện sinh viên làm thêm trong các cửa hàng tư nhân vì một lẽ đơn giản hồi đó, thời bao cấp, những của hàng tư nhân chủ yếu là bán phở, của hàng ăn nhỏ, đâu cần nhiều người phục vụ. Còn cửa hàng nhà nước, thì đừng mơ! Ai người ta cần người làm thêm, tất cả vào biên chế, hơn nữa, ở cửa hàng nhà nước làm gì có việc mà làm thêm. Thế là, mấy đứa ở lại trường không thể về tết, chỉ quanh quẩn trong khu ký túc xá. Sang hơn một chút, ra Cầu Giấy đi tàu điện vào Bờ Hồ để “ lượn” quanh hồ Hoàn Kiếm cho hết ngày. Cũng nhớ có vài người bạn ở Hà Nội, ghé thăm, nhưng rồi đứng lên ngay vì một nhẽ, toàn nhà chật, trong khu tập thể phòng bé tí hin, vừa ăn, vừa ở, vừa là phòng khách, vừa là cả chỗ… nuôi lợn mà cả đại gia đình đang sinh hoạt, mình đến thăm nên “tế nhị” nhường chỗ cho người khác. Chứ ngồi lâu, họ lấy cái gì mà tiếp! Đi chơi về bụng đói meo, không có cái gì ăn, may có thằng còn một ít bột mỳ, cho vào xoong, để lên bếp dầu, quấy lên thành cháo, cả bọn ngồi xì sụp húp.
Thế cũng hết mấy ngày tết.
Cũng có thằng khoe với tôi, mấy ngày tết giúp cho một cô giáo trong khoa bán chè đỗ đen đầu cổng trường cho người đi chơi tết, được cô mời về ăn cơm cùng gia đình mấy ngày tết đó.
- No thật mày ạ!- Nó cười nhăn nhở, trông vui lắm!
Theo trankytrung.com
Share: _MMM_